Sở Công Thương đẩy mạnh ứng dụng chứng thư điện tử và chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử thông qua phần mềm quản lý văn bản điều hành, bảo đảm số hóa 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước. Duy trì cổng thông tin điện tử của Sở, đáp ứng nhu cầu đăng tải, khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành Công Thương gắn với hoạt động chuyển đổi số bảo đảm cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời trong hoạt động của Sở.
Hiện nay, các TTHC công đều được niêm yết công khai, đầy đủ; 116 bộ TTHC thuộc chức năng quản lý của Sở được phê duyệt dịch vụ công trực tuyến, trong đó 67 TTHC được phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 49 TTHC được phê duyệt dịch vụ công trực tuyến một phần. 100% TTHC được công bố và được chuẩn hóa tên, thành phần hồ sơ, căn cứ pháp lý đồng nhất giữa Cổng dịch vụ công của tỉnh và Quốc gia.
Hết tháng 9 Sở Công Thương tiếp nhận 19.700 hồ sơ, trong đó 98% hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến, hơn 560 hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tiếp, bưu chính công ích. 100% hồ sơ tiếp nhận được giải quyết sớm và đúng hẹn, không có hồ sơ quá hạn, giúp cho doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Sở Công Thương phối hợp với Viettel Bắc Ninh, VNPT Bắc Ninh và các tổ chức tín dụng triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên Sàn giao dịch Thương mại điện tử Bắc Ninh (ecombacninh.vn). Tuyên truyền về thương mại điện tử cho các đối tượng là cán bộ, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh. Tổ chức chương trình Khởi nghiệp về thương mại điện tử năm 2023 tại Trường Học viện ngân hàng- phân viện Bắc Ninh với sự tham gia của hơn 500 học sinh, sinh viên tham dự trực tiếp và hơn 2.000 người trực tuyến qua các mạng xã hội… Nhờ vậy, doanh thu thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua đạt khoảng 7.555,6 tỉ đồng (chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh).
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Công tác chuyển đổi số có chuyển biến tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên việc chuyển đổi số vẫn gặp không ít khó khăn, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía các ngành có liên quan cùng sự đồng lòng ủng hộ của doanh nghiệp và người dân. Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Duy trì và nâng cao chất lượng cấp dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết TTHC nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Nỗ lực triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc, làm lực lượng nòng cốt để lan tỏa, thúc đẩy chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các hộ dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử uy tín trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng (website thương mại điện tử, gian hàng trên các sàn giao dịch điện tử, chữ ký số) và các giải pháp giao dịch, thanh toán điện tử trong thương mại và dịch vụ công. Ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, POS. Kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp, HTX sản xuất của tỉnh để tạo thêm các chuỗi liên kết mới... Chú trọng phát triển các trụ cột, xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh, vận hành thông minh để tạo ra các sản phẩm thông minh, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.