Thực hiện theo Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh
và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm
nhìn đến năm 2030”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc
đã ban hành văn bản chỉ đạo để triển khai Đề án về chuyển đổi số toàn diện đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhân viên Điện lực hướng dẫn khách hàng đăng ký các dịch vụ điện
qua App chăm sóc khách hàng.
Các dịch vụ “Cấp điện mới” và “Dịch vụ hợp đồng mua bán điện”
được thực hiện đăng ký qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, khi người dân
có yêu cầu đăng ký các dịch vụ của ngành Điện có thể thực hiện kết nối qua Cổng
Dịch vụ công Quốc gia. Điều này giúp cho khách hàng thuận tiện nhất trong việc
đăng ký các thông tin chứng thực cá nhân, các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân trong
thông tin đề nghị mua điện như: Giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu được thay thế bằng
các thông tin: Số định danh cá nhân của công dân; Số chứng minh thư nhân dân;
Địa chỉ thường trú của công dân; Thông tin họ và tên đầy đủ của công dân; Nơi ở
hiện tại của công dân; Thông tin chủ hộ của công dân; Số sổ hộ khẩu đều được
lưu trong cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia.
Thông qua việc chuyển đổi số, những kết nối này đã chuyển các
dịch vụ điện theo phương thức điện tử, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực như:
Tiết giảm chi phí đi lại của khách hàng; Không phải lưu trữ hồ sơ giấy tờ về
hợp đồng mua bán điện; ngành điện không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu
giấy đối với yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký của khách hàng.
Các hồ sơ giấy này được thay thế bằng thông tin cơ sở dữ liệu dân cư, thông tin
trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hồ sơ giao dịch điện tử giữa Điện lực và
khách hàng.
Hiện nay, các dịch vụ điện được ngành Điện cung cấp trực tuyến
đạt mức độ 4 - đây là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Đồng thời, ngành Điện
cũng là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ của ngành lên
Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
cũng đã và đang chủ động trong việc hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tích cực
sử dụng các dịch vụ điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tại Công ty Điện lực Bắc Ninh, Công tác chuyển đổi số được triển
khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của
Công ty, nhất là trong công tác cung cấp các dịch vụ điện qua cổng Dịch vụ công
Quốc gia theo chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và của UBND tỉnh Bắc
Ninh. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng yêu cầu được tiếp nhận
và xử lý qua Cổng dịch vụ công Quốc gia là 22.446, đạt 98% tổng số yêu cầu của
khách hàng. 100% các yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận và xử lý theo phương
thức điện tử.
Bên cạnh đó, để hoàn thành mục tiêu thanh toán tiền điện không
dùng tiền mặt, PC Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Ký
thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng và các tổ chức trung gian như Viettel,
Payoo, Bưu điện... mở dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho
khách hàng khi thanh toán tiền điện. Đến nay, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền
điện không dùng tiền mặt của PC Bắc Ninh đạt 100%, góp phần hoàn thành các chỉ
tiêu kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Bắc Ninh giao.
Có thể thấy, việc mạnh dạn đổi mới tư duy, đẩy mạnh ứng dụng số
trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng không chỉ mang lại sự tiện ích,
minh bạch cho khách hàng mà còn góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản
xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ cho ngành điện. Giờ
đây khách hàng đã từng bước ứng dụng Internet và các thiết bị công nghệ để tự
động hóa nhiều dịch vụ của ngành điện, giúp người dân thuận tiện nhất khi thực
hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến làm
việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào
qua môi trường mạng.
Với lợi thế sẵn có, cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự
đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, PC
Bắc Ninh đang nỗ lực hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động
thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Phấn đấu trở thành đơn vị đi đầu trong chuyển
đổi số toàn diện, góp phần xây dựng ngành và tỉnh nhà phát triển nhanh, bền
vững.
Thanh Ngọc - PC Bắc Ninh