Từ lòng yêu nước sâu sắc đến sự ra đời tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo,
yêu nước tại thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là Thành
phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) - một miền quê giầu tình thương và truyền thống văn
hóa. Cuộc đời và hoạt động của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ gắn liền với
nhiều cuộc biến động lớn của lịch sử dân tộc Việt Nam trong giai đoạn từ những năm
1930 - 1941. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp to lớn cho Cách mạng
Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào cộng
sản và công nhân; phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ trên thế giới. Đặc
biệt, để tiến hành cuộc chiến tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận nhằm chống
phá “nạn tờrốtkít”, vận động nhân dân
xây dựng “Mặt trận dân chủ thống nhất, để
chống phản động thuộc địa, chống thực dân, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo,
hòa bình”(*); tiến hành cuộc tự phê bình và phê bình trong Đảng để chấn
chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái; đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho
in tác phẩm “Tự chỉ trích”(*), góp phần to lớn vào việc xây dựng Đảng vững mạnh
về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Sinh ngày 09 tháng 7 năm 1912 trong một gia đình có truyền thống về
khoa bảng; năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang học năm thứ 2 tại trường Bưởi
Hà Nội, đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh
niên. Năm 1928, đồng chí bắt đầu đi “vô
sản hóa” tại mỏ than Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1929, đồng chí vinh dự
được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Năm 1930, đồng chí cùng đồng chí
Nguyễn Đức Cảnh đã thành lập chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương tại Mạo Khê, Vàng
Danh, Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đến ngày 15 tháng 2 năm 1931, trên đường
đi công tác ở Cẩm Phả - Hòn Gai thì đồng chí bị bọn thực dân Pháp bắt và bị giam
tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí đã bị Hội đồng đề hình Hà Nội xử án “phát lưu chung
thân” và đầy ra Côn Đảo. Tại đây, với khả năng xuất sắc của mình, đồng chí cùng
với các chiến sỹ cộng sản, đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng để
tuyên truyền, cổ động, giải thích khoa học nhiều khái niệm, phạm trù mang tính
lý luận cao, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho Cách mạng Việt Nam.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận
nhân dân Pháp và đặc biệt với sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta dưới sự lãnh
đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được trả tự do; trở về Hà Nội, đồng chí
tiếp tục liên lạc với Đảng và các đồng chí Tô Hiệu, Hạ Bá Cang, Đặng Xuân Khu…
khôi phục cơ sở đảng ở Bắc Kỳ - Trung Kỳ và thành lập xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 9 năm
1937, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và được đề cử vào
Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Đến tháng 3 năm 1938, đồng
chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư
của Đảng, tháng 11 năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo triệu Hội nghị
Trung ương Đảng lần thứ VI, bàn và ra quyết định thành lập Mặt trận thống nhất
dân tộc phản đế Đông Dương, thay cho mặt trận dân chủ Đông Dương; mở ra thời kỳ
mới cho cách mạng Việt Nam - Thời kỳ vận động giải phóng dân tộc.
Cũng từ lẽ đó, để thực hiện cuộc vận
động giải phóng dân tộc và ngăn chặn “những kẻ nghịch chớ vội hí hởn tìm cách
chia rẽ hay mầm bè phái giữa những người cộng sản”(*), đồng chí Nguyễn Văn Cừ
đã viết và cho in tác phẩm “Tự chỉ trích”
giống như một thông điệp lý luận chính trị giầu chất nhân văn và giá trị nhân
đạo khơi dậy trong toàn thể dân tộc Việt Nam hiểu rõ “chính sách lập Mặt trận
dân chủ của Đảng là sự liên hiệp các lớp nhân dân, các đảng phái tiến bộ để
chống phát xít và chế độ thuộc địa phản động, là một hình thức đặc biệt của mặt
trận phản đế rộng rãi”(*). Đồng thời thấy rằng chủ trương của Đảng cộng sản
Đông Dương lúc này là: “liên hiệp hết các lớp nhân dân, các lực lượng cải cách
dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, vào
Mặt trận dân chủ thống nhất, để chống phản động thuộc địa, chống phát xít, đòi
tự do, cơm áo, hòa bình”(Tự chỉ trích) cho nhân dân. Như vậy, khơi nguồn từ
lòng yêu nước sâu sắc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm hòa mình vào
cuộc sống của quần chúng lao khổ và tham gia phong trào yêu nước. Đồng chí đã
sớm chuẩn bị cho mình những tiền đề tư tưởng cả về lý luận và thực tiễn kết hợp
với quá trình hoạt động phong phú của bản thân như một quy luật vận động khách
quan của thời đại mà viết thành “Tự chỉ trích”. Tác phẩm ra đời giống như một
tấm gương sáng chiếu rọi, soi đường cho mỗi chúng ta nhìn rõ được sự thực “đừng khinh thường nạn tờrốtkít” vì xét
đến đến cốt tủy, bọn tờrốtkít chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau
để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng. Từ
nhận thức như vậy, ta đánh đổ các đảng phái phản động của những phần tử đại địa
chủ tư sản và có thể liên minh với tất cả các đảng phái cải lương; kéo một bộ
phận của tư sản bản xứ đi về phe Mặt trận dân chủ; thống nhất, để đấu tranh,
tẩy trừ những xu hướng tả khuynh lẫn xu hướng hữu khuynh trong hàng ngũ, nhằm
thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, củng cố hàng ngũ để chóng thực hiện
sự thống nhất các lớp nhân dân.
Nhìn chung lại, qua giá trị của tác
phẩm “Tự chỉ trích” cũng như sức chiến đấu mạnh mẽ của phong trào quần chúng để
thành lập một Mặt trận dân chủ thống nhất bao gồm hết các lớp nhân dân, hết các
đảng phái chống phản động, chống chiến tranh, đòi tự do, ấm no, hạnh phúc cho quyền
con người; quê hương, gia đình và sự nhập cuộc của bản thân đã sớm nảy nở trong
đồng chí Nguyễn Văn Cừ một tấm lòng yêu nước thiết tha. Người thanh niên ấy đã
sớm thấu hiểu và rất đau xót trong cảnh thống khổ của đồng bào trước sự bóc lột
tàn bạo của bọn thực dân, bọn phát xít và chế độ thuộc địa phản động. Đấy chính
là căn nguyên sâu sa khơi nguồn trong đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết nên tác phẩm
“Tự chỉ trích” - một tác phẩm có gí trị mẫu mực về lý luận và thực tiễn để uốn
nắn những lệch lạc của phong trào dân chủ, nhằm khẳng định tinh thần tự phê
bình và phê bình của Đảng ta; kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ
hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh; bảo đảm tính đúng đắn, trong sáng và
tất thắng của đường lối chính trị tiếp tục chiếu rọi việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần tích
cực cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; nhằm đưa nước ta đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”./.
Tài
liệu tham khảo
(*) Những đoạn trích dẫn trong bài viết
này đều lấy từ cuốn Tự chỉ trích của Trí Cường, in trong Văn kiện Đảng toàn
tập, tập 6.
1. Một số báo cáo trong hội thảo khoa
học “Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng
- Giá trị lí luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn
Văn Cừ.
2. Đinh Nghiêm Trần: Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo xuất sắc của
Đảng và cách mạng Việt Nam,
NXB Chính trị Quốc gia, H. 2002.
- Theo: baobacninh.com.vn -