Trong bối cảnh thích
ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, hoạt động du lịch Bắc Ninh cũng đang nỗ
lực tìm hướng từng bước khởi động trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” vì đại
dịch COVID-19. Giải pháp cũng như mục tiêu đặt ra là xây dựng điểm đến an toàn,
điều chỉnh sản phẩm du lịch phù hợp, đẩy mạnh xúc tiến và kích cầu du lịch, xác
định thị trường khách tiềm năng, ứng dụng công nghệ số trong phục hồi du lịch,
có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...
Trở lại với hoạt động
du lịch của Bắc Ninh khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, quy mô hệ thống các cơ
sở kinh doanh du lịch trên đà phát triển tương đối nhanh chóng. Số lượng các cơ
sở kinh doanh dịch vụ du lịch tính đến cuối năm 2019 là 680 cơ sở tăng gấp 4
lần năm 2010.
Giai đoạn 2017-2019 là giai đoạn đột phá trong thu hút được nhiều tập đoàn,
doanh nghiệp uy tín, hình thành nên chuỗi khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao
như: Khách sạn Mường Thanh, khách sạn Le Indochina; Khu nghỉ dưỡng 5 sao reort
Phoenix; Hệ thống các trung tâm thương mại siêu thị lớn, các nhà hàng phong phú
về loại hình ẩm thực, đáp ứng cả qui mô, chất lượng phục vụ khách... góp phần
làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị và nâng cao khả năng sẵn sàng đón khách
du lịch của Bắc Ninh. Năm 2019, Bắc Ninh đón khoảng 1,6 triệu khách du lịch,
tổng thu từ du lịch đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng đứng thứ 4 trong các tỉnh đồng
bằng sông Hồng.
Tuy nhiên trong 2 năm 2020, 2021 đại dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng sâu sắc, đà
tăng trưởng du lịch của tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2021, tổng doanh thu du
lịch đạt 530 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2020, giảm hơn 50% so với năm 2019.
Từ 2020 đến nay, có 126 cơ sở kinh doanh xin tạm dừng hoạt động...
Với nỗ lực triển khai các giải pháp thích ứng an toàn nhằm từng bước phục hồi
du lịch, mới đây, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình xúc tiến du lịch với kinh
phí hơn 2,39 tỷ đồng nhằm tổ chức đa dạng hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch
ở trong và ngoài tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra là biên soạn, in, phát hành tờ rơi, tập
gấp, ấn phẩm du lịch và xây dựng chuyên mục, sản xuất chương trình tuyên
truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn xúc tiến
quảng bá du lịch với các sự kiện văn hóa, du lịch lớn như: Hát Dân ca Quan họ
trên thuyền định kỳ; Liên hoan Du lịch Ẩm thực - làng nghề Bắc Ninh; Ngày hội
”Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội”; tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp,
ứng xử văn minh du lịch tại các điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa và làng
nghề trọng điểm... Việc tái khởi động kích cầu du lịch được coi là giải pháp
thiết thực nhằm từng bước phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài ”đóng băng”.

Du khách khai báo
thông tin tại đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh). (Ảnh tư liệu năm 2020)
Để tạo sự tin tưởng, yên tâm cho du khách khi đến miền Quan họ, ngành du lịch
Bắc Ninh cũng xác định xây dựng điểm đến an toàn là một trong những giải pháp
quan trọng hàng đầu. Trong đó, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn phòng dịch,
chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch COVID-19 tại 14 điểm du lịch của tỉnh và các điểm đến khác như Bảo tàng
tỉnh, Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh; các rạp chiếu phim…
Là địa phương có số lượng lớn tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, các chuyên gia
trong nước và nước ngoài đến đầu tư, làm việc tại các KCN, hơn nữa, cơ sở vật
chất của tỉnh và doanh nghiệp đều đáp ứng được việc đăng cai tổ chức các sự
kiện văn hóa, du lịch, thể thao quốc gia, quốc tế tại Bắc Ninh. Do đó, ngành du
lịch tỉnh định hướng phát triển du lịch nội địa, quan tâm đến các sản phẩm du
lịch MICE (MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ
chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác…). Bởi
việc phát triển sản phẩm du lịch này vừa đem lại nguồn thu ổn định cho doanh
nghiệp, vừa chủ động trong kiểm soát dịch bệnh, đồng thời quảng bá được hình
ảnh Bắc Ninh thân thiện, an toàn, phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
nhận định: Trong thời gian ngắn, lượng khách chưa thể phục hồi được như cũ,
nhất là lượng khách quốc tế do tâm lý còn e ngại tình hình dịch bệnh còn phức
tạp, vì vậy chúng tôi cho rằng cần điều chỉnh lại chiến lược thị trường và xây
dựng sản phẩm phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch. Giải pháp quan
trọng trước tiên là xây dựng điểm đến an toàn, xây dựng sản phẩm du lịch mới
phù hợp với tình hình dịch bệnh; tăng cường xúc tiến quảng bá kết hợp hiệu quả
giữa cách thức tuyên truyền, quảng bá du lịch số, truyền hình và các ấn phẩm
truyền thông; mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường khách du lịch, ưu tiên kết
nối với các địa phương lân cận như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn tiếp tục tham mưu ban hành cơ chế, chính sách
liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch
vụ du lịch, lao động du lịch, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực xây dựng và triển khai
các chương trình, đề án, dự án phát triển đồng bộ du lịch, trọng tâm là việc
trình đề án “Phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Nguồn:baobacninh.com.vn