Ngành Công Thương bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường dịp Tết
Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân
tăng cao. Ngành Công Thương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo
đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ tối ưu
nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nhâm Dần 2022 khi dịch COVID-19 vẫn
diễn biến phức tạp.
Toàn tỉnh hiện có 108
chợ, 26 siêu thị, 3 trung tâm thương mại; 132 cửa hàng tiện ích... Thời gian
qua, công tác lưu thông hàng hóa thiết yếu luôn được quan tâm, tạo điều kiện
thuận lợi nhằm kịp thời cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên
cạnh đó, hoạt động hiệu quả của các kênh phân phối hàng hóa, nhất là hệ thống
các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi đã tạo niềm tin cho người dân, nhờ đó,
không có hiện tượng mua sắm tích trữ hàng hóa. Dự báo thị trường hàng hóa dịp
Tết Nguyên đán 2022 tăng 20- 30%, nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng,
hàng tươi sống.
Để thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng
hóa, Sở Công Thương làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị
phân phối hàng hóa trong tỉnh để rà soát, đánh giá lại khả năng cung ứng; tổ
chức ký cam kết bảo đảm dự trữ, cung ứng, bình ổn giá hàng hoá thiết yếu; không
tăng giá bán trái quy định; không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy, khan
hiếm nguồn hàng… Sở thành lập các tổ điều phối hàng hoá, thường xuyên nắm bắt
thông tin về diễn biến cung, cầu thị trường, giá cả, khả năng cung ứng, quá
trình lưu thông hàng hóa của từng đơn vị, địa phương, có giải pháp kịp thời
điều tiết hàng hóa thiết yếu. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nắm bắt tình
hình sản xuất, thông tin kịp thời diễn biến của các mặt hàng nông, lâm, thủy
sản khi có biến động xảy ra làm giảm nguồn cung thị trường. Phối hợp với lực
lượng Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa, chống buôn
lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm tra
việc niêm yết và bán theo giá niêm yết, quy định về an toàn thực phẩm, hành vi
đầu cơ, găm hàng, độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao để nâng giá, trục lợi
bất chính. Đề nghị các địa phương tăng cường vận động các đơn vị sản xuất, kinh
doanh mặt hàng thiết yếu có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá phù
hợp; khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm thay thế khi mặt hàng có
nguy cơ biến động mạnh về nguồn cung…

Hầu hết các siêu
thị trong tỉnh đã chủ động nguồn hàng cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2022.
Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/QĐ- UBND ngày
6-1 về việc phê duyệt Chương trình bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu
trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm cân đối cung- cầu, bình ổn thị
trường… Theo đó, có 5 nhóm hàng được bình ổn giá, bao gồm: Trứng gia cầm, thịt
lợn, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến và bánh, mứt, kẹo các loại. Nguồn kinh
phí được tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng, lãi suất 0% cho các doanh
nghiệp tham gia thực hiện chương trình, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng
của 5 nhóm mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Giá bán những mặt hàng bảo đảm
luôn thấp hơn giá bán những mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời
điểm trên thị trường ít nhất 5% trong suốt thời gian thực hiện Chương trình.
Thời gian thực hiện từ ngày 6-1 - 30-6-2022.
Ông Lưu Bảo Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: “Với các
phương án chuẩn bị kỹ lưỡng kết hợp Chương trình bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán
được triển khai, bảo đảm nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã
hội…Vì vậy, người dân không cần tích trữ nhiều hàng hóa, hãy thực hiện nghiêm
yêu cầu 5K để phòng, chống dịch khi đi mua sắm, bảo đảm đón Tết vui tươi, an
toàn, tiết kiệm.
Nguồn:baobacninh.com.vn