Hiện các đơn vị đóng quân trên Quần đảo Trường Sa đều có Phòng Hồ Chí Minh (phòng sinh hoạt chung) được trang bị tủ sách pháp luật với đa dạng các đầu sách về các lĩnh vực như chính trị-xã hội, pháp luật, văn học; các loại báo, tạp chí, tài liệu, thông tin… Trung sĩ Nguyễn Ngọc Cần, đang làm nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh tâm sự: Khi còn ở nhà có khi rất ít đọc sách, song từ ngày ra đảo đã rèn luyện cho tôi cũng như đồng đội dần hình thành thói quen đọc sách. Qua đó mới cảm nhận sách thật giá trị, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ mở mang kiến thức, hiểu hơn về quê hương, đất nước, cũng như giúp ích trong việc học tập, công tác nơi đảo xa.
Để kích thích niềm đam mê đọc sách, bên cạnh việc tổ chức đọc báo, điểm báo mỗi ngày, hằng tháng các đơn vị ở các điểm đảo còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực để thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia như: Thi tìm hiểu sự kiện và nhân vật lịch sử, đại sứ văn hóa đọc; thành lập các nhóm đọc sách, tọa đàm sách, hưởng ứng Ngày hội đọc sách; tổ chức buổi sinh hoạt để định hướng, giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích… Không khó để bắt gặp hình ảnh ở Phòng Hồ Chí Minh trên các đảo vào giờ nghỉ, ngày nghỉ luôn đông đúc cán bộ, chiến sĩ chăm chú đọc sách, báo, chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình đất liền cho đồng đội… Thiếu tá Lê Hồng Quang, Chính trị viên đảo Đá Đông phấn khởi: Những cuốn sách, báo, tạp chí chính là nguồn kiến thức, tư liệu phong phú để phục vụ cán bộ trong các bài giảng chính trị, phục vụ nhiệm vụ công tác hoặc giúp mỗi người lính tìm hiểu kỹ hơn về công tác chăn nuôi, trồng trọt nhằm cải thiện đời sống trên đảo, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phong trào đọc sách không chỉ được duy trì và phát triển mạnh trong cán bộ, chiến sĩ mà lan tỏa sâu rộng đến các gia đình cư dân trên đảo. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, một cư dân của đảo Trường Sa chia sẻ: Không bị chi phối bởi những trò chơi điện tử, máy tính bảng, điện thoại thông minh, 2 cháu nhỏ của gia đình cũng như nhiều bạn nhỏ khác nơi đây có niềm say mê đặc biệt với sách, truyện… Ở nhà ngoài thời gian sinh hoạt, học tập, vui chơi, rỗi là các cháu lại nhắc bố mẹ đọc truyện tranh cho nghe.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Trần Văn Hoàng cho biết, hiện nay đời sống văn hóa, tinh thần của quân dân trên đảo Trường Sa được bảo đảm khá tốt, trong đó hệ thống phòng đọc sách, báo đã trở thành món ăn tinh thần hằng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây.
Hằng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều bổ sung sách, truyện, tạp chí cho các tủ sách, thư viện ở Trường Sa. Định kỳ 6 tháng, Lữ đoàn 146 sẽ luân chuyển sách, báo giữa các đảo, để bộ đội được đọc nhiều loại sách khác nhau, phong phú hơn về kiến thức. Bên cạnh đó, các đoàn công tác ra thăm Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho quân dân trên quần đảo. Nhân dịp chuyến công tác ra Quần đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Bắc Ninh trao tặng gần 100 cuốn sách, cùng một số đầu báo, tạp chí cho quân dân, học sinh trên một số đảo.
Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 khẳng định, đẩy mạnh phong trào đọc sách nhằm thúc đẩy, lan toả văn hóa đọc là việc làm cần thiết để xây dựng ý thức tự học, bồi dưỡng nhân cách, tri thức toàn diện cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa thân thiện, lành mạnh. Bên cạnh đó, từ việc đọc sách sẽ trang bị cho bộ đội hành trang để khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ thêm nhiều kiến thức hữu ích phục vụ cho công việc, cuộc sống tương lai.