Các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây ​
Cập nhật

    Tình hình Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn đang diễn ra ngày càng gay gắt, toàn diện và dự báo sẽ ngày càng quyết liệt ở châu Á-Thái Bình Dương, thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục có những động thái khẳng định chủ quyền, gây quan ngại cho các nước trong khu vực.

Trung Quốc tiếp tục tăng cường hiện diện thông qua tập trận quân sự và một số hoạt động khác trên thực địa. Riêng trong tháng 3/2022, Trung Quốc đã tiến hành 03 cuộc tập trận tại Biển Đông. Sau hàng loạt động thái tăng cường sức mạnh không quân ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục thêm bước mới khi điều động chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tới khu vực biển này. Giám đốc chương trình AMTI - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Greg Poling đánh giá việc điều chiến đấu cơ J-20 tham gia huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông từ các căn cứ ở miền Nam Trung Quốc là một diễn biến quan trọng. J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình nên về nguyên tắc thì chiếm ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà các nước khác ở khu vực Biển Đông đang sử dụng.

Trung Quốc cũng thúc đẩy quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông nhằm phục vụ chiến thuật vùng xám, tăng kiểm soát mà không cần dùng vũ lực. Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, Trung Quốc đã “hoàn tất quân sự hóa” ít nhất ba thực thể trên Biển Đông, gồm đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ngày 07/4/2022, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hóa, không có hành động gây căng thẳng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán, sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Gần đây nhất, các thành phố, huyện trực thuộc tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc lần lượt ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong hơn 3 tháng tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (29/4) nêu rõ, lập trường nhất quán của Việt Nam, theo đó một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Đây được coi là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chiến thuật vùng xám phục vụ mục tiêu của Trung Quốc là gia tăng kiểm soát tại Biển Đông mà không phải dùng lực lượng quân sự chính quy, nhưng đồng thời không để tình hình vượt ngưỡng thành xung đột vũ trang mất kiểm soát.

Trước các động thái trên của Trung Quốc, lãnh đạo các nước và cộng đồng quốc tế đã gia tăng các cam kết nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Bin Đông; chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc. Trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản với Thủ tướng Đức (28/4) và Tổng thống Indonesia (30/4), các bên phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông và biển Hoa Đông trái luật pháp quốc tế; cam kết hợp tác hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật lệ; ủng hộ xây dựng một COC toàn diện và có tính ràng buộc. Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Đức (02/5) nhấn mạnh, tầm quan trọng của thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế ở tất cả các vùng biển, bao gồm cả Biển Đông và Ấn Độ Dương; cam kết hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thống nhất; ủng hộ vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai là, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa việc ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, lợi dụng tình hình để kích động, làm phương hại tới quan hệ đối ngoại song phương của Việt Nam với các nước và nỗ lực trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

                                                                                                      Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập