Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, có ý
nghĩa rất quan trọng về lý luận và thực tiễn, thu hút sự quan tâm của đông đảo
cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, cũng như dư luận quốc tế.
Theo nhà
văn Phù Ninh, bài viết đã thể hiện sự tâm huyết, sắc bén về một vấn đề có nội
dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp trên cơ sở lý luận, thực tiễn: đó là
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết đã
được đăng tải trong một thời điểm hết sức ý nghĩa. Thực tế cho thấy, sau 35 năm
đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước ta đang có vị
thế, uy tín quốc tế lớn chưa từng có, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt về
mọi mặt so với những năm trước đổi mới. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng
phát trên thế giới, sự suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020, đất nước ta đã
nhiều lần chiến thắng đại dịch, trở thành “tấm gương” cho nhiều nước trên thế
giới trong cuộc chiến chống dịch. Bài viết của Tổng Bí thư đưa ra trong thời
điểm cả nước đang một lần nữa gồng mình chống dịch COVID-19, để nhân dân có
thêm niềm tin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị, chúng ta sẽ vượt
qua mọi khó khăn, thử thách.
Nhà văn Phù Ninh đặc biệt tâm đắc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích
rất kỹ đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong bài viết, Tổng Bí
thư khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến
bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi
ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để
chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều
kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Trong
chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân
là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích
của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”.
Bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội, đó là một
xã hội của dân, vì dân và do nhân dân làm chủ; xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng
và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh.
Trong quá
trình xây dựng, quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, Tổng Bí thư một
lần nữa khẳng định vai trò và sức mạnh của nhân dân. Đề cập trong bài viết,
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng Chủ
nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn
giản, dễ dàng. Đây là một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn,
một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì
vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, đảm bảo vai trò lãnh
đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia
tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực
hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng
của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.
Qua đó,
tiếp tục củng cố và thống nhất về nhận thức chính trị, tăng cường thế trận lòng
dân, tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh to lớn nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Với vị thế mới, tầm vóc mới, vận hội mới của dân tộc sau 35 năm tiến hành công
cuộc đổi mới, nhà văn Phù Ninh tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc hùng cường, có thể “sánh vai
với các cường quốc năm châu” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh
thời.
Thực tế
tại Tuyên Quang, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong
tỉnh đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khai
thác tiềm năng và huy động nguồn lực; vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện
các lĩnh vực, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt
được kết quả quan trọng, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đến nay, thu
nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) của người dân trên địa bàn tỉnh
đạt trên 44,5 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản
của tỉnh tăng bình quân trên 4,3%/năm; kinh tế lâm nghiệp phát triển khá nhanh
và bền vững; độ che phủ rừng đạt trên 65%. Toàn tỉnh hiện đã có 47 xã đạt chuẩn
nông thôn mới, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; người dân tham gia bảo hiểm y tế
đạt trên 94,5%... Đời sống của người dân trên địa bàn không ngừng được nâng
cao.
Tuy
nhiên, Tuyên Quang vẫn là 1 tỉnh nghèo, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, tập trung vào
các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần cho người dân. Cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ
vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương, góp phần làm cho dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam (ngày 20/6/2021)