1. Thực trạng và kết
quả phòng chống tham nhũng ở Việt Nam
Tình trạng tham ô, lãng
phí, tiêu cực và tham nhũng tại Việt Nam diễn ra trong nhiều thập niên qua, xảy
trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và ở tất cả các ngành, các cấp. Tham nhũng,
lãng phí đã gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm
niền tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc
tế công bố xếp hạng CPI năm 2020, Việt Nam đứng thứ 104/180 quốc gia được xếp
hạng với 36 điểm, tăng 5 điểm và 15 bậc so với năm 2014. Tuy nhiên, vẫn thấp
hơn điểm trung bình của khu vực (45 điểm) và nằm trong số 2/3 các quốc gia trên
thế giới tham nhũng nghiêm trọng (dưới 50 điểm).
Tại Báo cáo tổng kết công
tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Tham
nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu
hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn
khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy
cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Mỗi khi người dân, doanh nghiệp đi
xin giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất, đi khám bệnh, xin cho con đi học,
hoặc chuyển trường, xin vốn đầu tư, dự án xây dựng… đều phải có “lót tay”, “bôi
trơn” thì mọi việc mới nhanh chóng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi dạng tham
nhũng này là “tham nhũng vặt”, gây bức xúc, khó chịu cho mọi người và toàn xã
hội. Nhiều vụ tham nhũng lớn, có tổ chức, nhiều người tham gia, có sự cấu kết
của nhiều doanh nghiệp và cán bộ nhà nước thoái hóa, biến chất như: Vụ án Epco
- Minh Phụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, với 77 bị can và 2 án tử hình;
vụ án tại Tập đoàn Vinashin, với Phạm Thanh Bình cùng 8 đồng phạm; vụ án tham ô
và cố ý làm trái tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng
và Mai Văn Phúc bị tử hình, 8 bị can khác chịu hình phạt từ 4 đến 22 năm tù.
Không phải đến bây giờ mới có tham nhũng. Trong kháng chiến chống thực dân
Pháp, vụ án của Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu - Bộ Quốc phòng bị
xử ngày 5-9-1950 tại thị xã Thái Nguyên, can tội “biển thủ công quỹ, nhận hối
lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”, bị tuyên án tử hình, tịch thu 3/4 tài sản,
tịch thu tang vật hối lộ. Bác Hồ khi bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu,
Bác đã nói với đồng chí Trần Đăng Ninh: Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân
cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu cả rừng cây thì việc đó là cần
thiết”. Tham nhũng không được ngăn chặn và đẩy lùi, mà còn phát triển tinh vi
hơn, không chỉ các ngành kinh tế mà còn cả các ngành bảo vệ pháp luật, không
chỉ cán bộ cấp thấp mà còn cả cán bộ cấp cao. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
đánh giá: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên
giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về chính
trị, đạo đức, lối sống…, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng,
chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy
tiện, vô nguyên tắc. Do đó, Đảng và Nhà nước chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra và truy tố xét hỏi, xử lý nghiêm những
người vi phạm về tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt là từ năm 2016, sau Đại hội XII
của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham
nhũng (PCTN) Trung ương đã phát động một chiến dịch PCTN rộng rãi, toàn diện,
quyết liệt với phương châm: Bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, không có
vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh và xử lý tham nhũng. Từ đó công tác
PCTN đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhiều vụ án tham nhũng từ Trung
ương đến địa phương đều được xét xử nghiêm minh, kể cả các Ủy viên BCH Trung
ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Kết quả là:“Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực
hiện Nghị quyết Trung ương 4), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức
đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên
và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị
kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn
4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật (1). Thiếu tướng Nguyễn Văn
Tín, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân cho biết: Từ năm 2013 đến 2020, cả
nước đã có hơn 1.900 vụ án tham nhũng bị điều tra, xét xử; 131.000 đảng viên,
trong đó có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có 27 Ủy viên Trung
ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan
cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang) đã bị xử lý kỷ luật. Riêng 6 tháng đầu năm
2021, liên quan đến tham nhũng đã có 266 vụ/646 bị can bị khởi tố, 250 vụ với
643 bị can bị truy tố. Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương đã kiểm tra xử lý kỷ luật 12
tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trong
đó có 3 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 2 thứ trưởng, 1 nguyên chủ tịch
tỉnh, 1 nguyên phó bí thư tỉnh ủy, 13 sỹ quan cấp tướng trong lượng vũ trang)(2).
Hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn với cán bộ cao cấp được đưa ra xét xử như:
Vụ án PMU 18 của Bộ Giao thông vận tải xảy ra năm 2006. Vụ án tại Tổng Công ty
Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) với Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng. Vụ vi
phạm quản lý đất đai tại Đà Nẵng với 19 bị can và 2 cựu chủ tịch UBND TP.
Đà Nẵng; Vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, liên quan đến
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Các vụ án liên quan đến các cơ quan bảo vệ pháp luật
như: Vụ thâu tóm đất vàng tại Công ty Nova Bắc Nam 79 và Novaland tại Đà Nẵng
lên quan đến hai cựu thứ trưởng Bộ Công an. Vụ án tướng công an thuộc Cục Cảnh
sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 Bộ CA) bảo kê cho đường dây
đánh bạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam. Vụ án buôn lậu và sản xuất 200 triệu lít
xăng giả tại Đồng Nai, đã có nhiều cán bộ, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát Biển
tiếp tay; Vụ án của Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Phòng PCTN, Thanh tra Bộ Xây dựng;
Vụ án Nguyễn Kiên Cường, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái
Bình. Ngay trong Ngành Lương y như từ mẫu có vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai và
Bệnh viện Tim Hà Nội, lãnh đạo bệnh viện đã câu kết với công ty tư nhân để nâng
giá thiết bị y tế hưởng lợi bất chính. Gần đây nhất Bộ Công an đã khởi tố vụ
đẩy giá kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Việt Á, liên quan đến nhiều
quan chức, nhiều bộ, ngành như lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế, Học
viện Quân y và cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của nhiều tỉnh, thành
trong cả nước. Hai Ủy viên BCH Trung ương đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị bắt
tạm giam để điều tra. Đảng, Nhà nước xác định phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên
quyết, kiên trì đấu tranh PCTN cả trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức,
doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước. Kết luận số 21 KL/TW ngày 25-10-2021 Hội
nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XIII nêu: Triển khai quyết liệt,
thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm
toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chủ động phát hiện sớm, xử lý
nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản
bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Nhận diện tham nhũng
Từ thực trạng cuộc đấu
tranh PCTN ở nước ta cho thấy cần nhận rõ các dạng tham nhũng chính để có giải
pháp phòng chống hiệu quả:
Tham nhũng về kinh
tế: Đây
là dạng tham nhũng rất phổ biến diễn ra mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từ
quan chức cấp cao đến cấp thấp. Nhưng dễ nhận biết, họ dùng chức vụ và quyền
hạn được giao, hạch sách, nhũng nhiễu, gây khó khăn để thu về tiền bạc, vật
chất… Dạng này thể hiện từ tham nhũng vặt, nhận phong bì, đến tham nhũng lớn,
nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, biệt thự, đất đai, ô tô…
Tham nhũng quyền lực: Là dạng tham nhũng mà
người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị thế để đưa những người thân tín, họ
hàng, cánh hẩu và người đút lót hối lộ vào giữ những chức vụ, vị trí quan trọng
trong bộ máy của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội
nhằm vụ lợi. Đây là dạng tham nhũng rất nguy hiểm và khó phát hiện. Khi họ sắp
xếp người không có đạo đức, năng lực chuyên môn vào những vị trí quan trọng, nó
không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà cả lâu dài, ảnh hưởng cả thế hệ mà khó khắc
phục hậu quả.
Tham nhũng chính trị: Là dạng tham nhũng của
người có quyền lực tác động vào các quyết định về cơ chế, chính sách, những
quyết định lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu lợi cho bản thân, gia đình, hoặc
một nhóm người. Họ có thể cấu kết với người cùng có quyền lực để thay đổi chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm mưu cầu lợi ích cho ngành, địa
phương, đơn vị mình hoặc nhóm người có cùng lợi ích. Như việc ra các quy định
về chính sách thuế, tiền lương, tiêu chuẩn bổ nhiệm, hưu trí, hoặc ra các quyết
định đầu tư dự án lớn: xây dựng sân bay, cảng biển, khu đô thị, …
2. Đảng, Nhà nước ta kiên
quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, lãng phí
Đảng Cộng sản Việt Nam là
đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng là nhân tố quyết
định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bác Hồ quan niệm tham ô, lãng phí,
quan liêu là “'giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người khẳng định: “Tham ô
là trộm cắp. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Chống tham
ô, lãng phí và quan liêu như chống “giặc ở trong lòng”. Đảng và Nhà nước ta xác
định tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội,
làm giảm sút lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, Nhà
nước và chế độ ta. Nên các kỳ đại hội Đảng, đều coi trọng công tác xây dựng
Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng là nhiệm vụ then chốt, có ý
nghĩa sống còn của Đảng và chế độ. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có
nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng. Đặc biệt, ba
Đại hội XI, XII, XIII đều có Nghị quyết Trung ương 4 của các khóa về việc đẩy
mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy
lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các nghị quyết được cụ thể
hóa thành các văn bản pháp luật của Nhà nước theo từng thời kỳ, làm căn cứ pháp
lý để các cơ quan nhà nước và nhân dân cùng thực hiện.
Ngay sau Cách mạng Tháng
Tám, ngày 23-11-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64, Điều 1 Sắc
lệnh: “Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm đi giám sát
tất cả công việc và nhân viên của các UBND và các cơ quan Chính phủ. Điều 2 chỉ
rõ: “Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền: Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài
liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan Chính phủ cần thiết cho công việc
giám sát; Đình chức bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ
đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử”.
Đây là cơ quan thanh tra, chống tham nhũng đầu tiên của nước ta. Ngày 27-11-1946,
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 223. Sắc lệnh có 5 điều trong đó quy định
rõ về việc xử phạt tội đưa hối lộ cho công chức, tội nhận hối lộ, biển thủ công
quỹ. Sắc lệnh này là đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa. Ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138B-SL/QD
thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, trực thuộc Thủ tướng, thay thế Ban Thanh tra
đặc biệt tại Sắc lệnh số 64. Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên nói đến chống
tham nhũng tại Điều 8 ghi: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước
phải … kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa
quyền, tham nhũng”. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa X đã
ban hành Pháp lệnh số 02-PL/CTN ngày 26-2-1998 về chống tham nhũng. Đây là pháp
lệnh chống tham nhũng đầu tiên của nước ta. Pháp lệnh gồm 5 chương với 38 điều,
trong đó quy định khái niệm về tham nhũng các hành vi tham nhũng, các biện pháp
ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Tiếp đó là pháp lệnh số 22/2000/PL-UBTVQH10
về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng. Để nâng cao
hiệu lực, hiệu quả chống tham nhũng. Năm 2005 Quốc hội khóa XI đã nâng cấp Pháp
lệnh lên thành Luật PCTN. Luật PCTN số 55/2005/QH11, được Quốc hội khóa XI
thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 29-11-2005. Luật có 8 chương với 92 điều. Luật
này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và
trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong PCTN. Đến ngày
4-8-2007, Quốc hội khóa XII ban hành Luật PCTN số 01/2007/QH12, sửa đổi,
bổ sung 2 điều của Luật PCTN năm 2005. Năm 2012 được tiếp tục sửa đổi bổ
sung bằng Luật PCTN số 27/2012/QH13, được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ
4 thông qua ngày 23-11-2012. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2013/NĐ-CP
ngày 17-6-2013 Quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN. Hiến pháp năm 2013,
tại khoản 2 Điều 8 tiếp tục khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ,
công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và
mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Sau hơn 10 năm thi hành,
Luật PCTN năm 2005 và các luật sửa đổi, đã đạt được kết quả rất quan trọng, góp
phần nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy
mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Để luật hóa Hiến pháp 2013, ngày 20-11-2018
tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật PCTN số 36/2018/QH14.
Luật PCTN năm 2018 gồm 10 chương với 96 điều. Luật bổ sung hoàn thiện các quy
định mới: về hành vi tham nhũng; đối tượng và loại tài sản phải kê khai, thu
nhập; về công khai tài sản, thu nhập; Quy định những việc cán bộ và người đứng
đầu không được làm, quy định trách nhiệm của người đứng đầu và người liên đới.
Qua đó cho thấy Đảng, Nhà nước ta thường xuyên xây dựng và hoàn thiện hệ thống
pháp luật về PCTN, lãng phí, thể hiện sự quyết tâm, kiên trì đấu tranh PCTN,
lãng phí.
Xây dựng bộ máy PCTN
hiệu lực, hiệu quả
Cùng với việc hoàn thiện
thể chế về PCTN, Đảng Nhà nước chú ý xây bộ máy PCTN. Ngoài các cơ quan thuộc
khối nội chính: Công an, Quân đội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân là
các cơ quan thường xuyên đấu tranh để bảo vệ Hiến pháp, pháp luật và đấu tranh
PCTN, Việt Nam có cơ quan chuyên trách PCTN là Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực Trung
ương và cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng làm Trưởng Ban, 6 phó trưởng ban và 11 ủy viên đều là các Ủy viên Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, đồng thời là thủ trưởng các
ban, ngành nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức... Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu
cực Trung ương có nhiệm vụ: Tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về
các chủ trương, chính sách trong PCTN và chỉ đạo đôn đốc, điều hòa kiểm tra,
giám sát việc thực hiện công tác PCTN. Có quyền yêu cầu các đảng đoàn, ban cán
sự đảng, các tỉnh ủy, thành ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và các cơ
quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả công
tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ương. Cơ quan Thường trực là Ban Nội chính
Trung ương. Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác PCTN theo chức năng
được giao. Cụ thể là :
Ban Nội chính Trung ương:
Ngoài nhiệm vụ của Ban Nội chính, đồng thời là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo
PCTN có nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các cơ quan chuyên môn để đôn đốc,
kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương
và ủy ban kiểm tra đảng các cấp: có nhiệm vụ kiểm tra mọi đảng viên, kể cả cấp
ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp
ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, xử lý kỷ luật tổ chức đảng
và đảng viên theo thẩm quyền. Đồng thời, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên
trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của
cấp ủy.
Thanh tra Chính phủ là cơ
quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và công tác PCTN trên phạm vi cả nước. Có trách nhiệm
chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật của các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong Thanh tra Chính phủ có đơn vị
chuyên trách công tác PCTN.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng