Đến nay, thực tiễn cho phép có những dữ liệu đủ độ tin cậy để
đánh giá về kết quả của 35 năm đổi mới, song vẫn còn nhiều thế lực cực đoan tìm
mọi cách để phủ nhận. Vấn đề này vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập
một cách sâu sắc, có căn cứ thuyết phục trong bài viết “Một số vấn đề lý luận
và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam” nhằm khẳng định, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là
một sáng tạo lớn của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.
![http://baolangson.vn/uploads/2021/05/24/Kinh-te-thi-truong-dinh-huo.jpg]()
Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế
Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May
10. Ảnh: Nhật Nam
1. Nhìn
chung, các quan điểm chống đối rất đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó
tập trung bác bỏ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo
đó, kinh tế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế không thể ăn nhập và
không bao giờ ăn nhập một cách hữu cơ với định hướng xã hội chủ nghĩa. Lý do
bởi, kinh tế thị trường vận hành theo các quy luật của chính nó như quy luật
giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu… nên không thể tương dung với
cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Với Việt Nam, sau năm 1975, mặc dù đất nước đã độc lập, thống
nhất, song tiếp tục phải khắc phục hậu quả chiến tranh, bao vây cấm vận… Thử
thách ngặt nghèo đó cộng với áp lực cần phải nâng cao đời sống nhân dân, đẩy
nhanh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi Đảng ta chưa có nhiều kinh
nghiệm, chưa có mô hình để tham khảo nên không thể tránh những vấp váp, sai
lầm. Tình hình phức tạp thêm khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu đứng bên
bờ vực của khủng hoảng.
Trước thách thức đó, với bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của một
chính đảng cách mạng vì dân tộc, vì nhân dân, Đảng ta đã dũng cảm tiến hành
công cuộc đổi mới đất nước. Công cuộc đó khởi đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VI của Đảng (năm 1986), với đột phá đầu tiên là đổi mới tư duy về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Qua tổng kết, Đảng đã nghiêm túc kiểm điểm những thiếu sót, sai
lầm trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
cũng như trong tổ chức thực tiễn. Sai lầm giáo điều, chủ quan, nóng vội, bất
chấp quy luật khách quan đã được phân tích, mổ xẻ và nhiều bài học quý đã được
rút ra. Trên cơ sở đó, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới từng bước được hình thành, hoàn
thiện.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nhìn lại 35
năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng được
hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”. Có thể thấy, trong hệ lý luận về
đổi mới, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trụ cột quan
trọng.
Không phải ngay từ đầu công cuộc đổi mới, lý luận về kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được hoàn chỉnh. Lý luận đó chỉ có được
khi Đảng tiến hành tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế
với phương châm rất cầu thị, “gạn đục khơi trong” kết hợp với nghiên cứu lý
luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những thành tựu khác của dân
tộc và nhân loại. Đến nay, Đảng ta khẳng định rằng: “Kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt
Nam”.
Lựa chọn mô hình kinh tế trên đây và xem đó là mô hình kinh tế
tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không
phải là sự lắp ghép chủ quan, tùy tiện bởi nó dựa trên những căn cứ lý luận,
thực tiễn chân thực và được chính thực tiễn công cuộc đổi mới xác nhận là đúng
đắn.
2. Phân tích mô
hình kinh tế thị trường kiểu tư bản chủ nghĩa, thấy rằng, đúng như C.Mác,
Ph.Ăngghen đã nhận định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào năm 1848, với
thời gian tồn tại rất ngắn, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một khối lượng hàng hóa
khổng lồ bằng tất cả các xã hội trước cộng lại. Ngày nay, dư địa cho sự phát
triển ấy vẫn còn khá lớn mặc dù hậu quả cho nhân loại cũng rất to lớn như Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày rất sáng rõ trong bài viết “Một số vấn đề
lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam”.
Kinh tế thị trường kiểu tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều ưu điểm,
nhất là làm năng động hóa các chủ thể xã hội, kích thích đổi mới công cụ sản
xuất, cải tiến quản lý… nhằm giành thắng lợi trong cạnh tranh, song cũng tạo
nhiều hệ lụy tiêu cực rất dễ nhận thấy như gia tăng phân hóa xã hội, đẩy nhanh
cuộc tước đoạt tự nhiên, hình thành hiện tượng gọi là sự lãng phí ở quy mô toàn
cầu do được kích thích bởi xã hội tiêu thụ và nhiều vấn nạn khác.
Với Việt Nam, một quốc gia có điểm xuất phát rất thấp, vấn đề
cấp thiết đặt ra là: Làm sao nhanh chóng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển
trong khi phải đồng thời thực hiện các mục tiêu khác của chủ nghĩa xã hội? Với
phương châm khách quan, tôn trọng sự thật, Đảng ta đã phân tích thấu đáo bản
chất của kinh tế thị trường, nhận diện đúng mặt ưu điểm cũng như những mặt trái
của nó. Đảng ta cho rằng, kinh tế thị trường không phải là sáng tạo của bản
thân giai cấp tư sản. Đó là kết quả chung của nhân loại, được giai cấp tư sản
sử dụng, hoàn thiện và đạt được trình độ phát triển cao.
Nghiên cứu sự vận hành của kinh tế thị trường ở các quốc gia tư
bản chủ nghĩa cũng như nghiên cứu lịch sử nhân loại, chúng ta nhận thấy rằng,
không có quá trình kinh tế nào chỉ duy nhất có mục đích kinh tế. Rõ ràng, phát
triển kinh tế là một trong những biện pháp để tạo lập cơ sở, nền tảng cho mọi
sự phát triển nói chung, song phát triển như thế nào, bằng cách gì và phục vụ
ai là những mục tiêu mà các chủ thể xã hội có thể lựa chọn và định hướng cho sự
phát triển kinh tế. Chính giai cấp tư sản đã, đang sử dụng kinh tế thị trường
để phục vụ các mục tiêu của giai cấp mình. Do vậy, hoàn toàn có thể sử dụng
kinh tế thị trường phục vụ các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và đó là cơ sở
hình thành mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã
hội ở nước ta.
Phân tích trên đây góp phần khẳng định, sáng tạo ra thể
chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một thành tựu
lý luận đặc sắc của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới và được thực tiễn đổi mới
khẳng định là đúng đắn. Kinh tế thị trường hoàn toàn có thể dung hợp hữu cơ với
định hướng xã hội chủ nghĩa và trở thành một thể chế kinh tế thống nhất. Thể
chế kinh tế đó được khẳng định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng
bộ, theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng
xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”
phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Thể chế kinh tế đó có thể phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo
của các thành phần kinh tế, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tạo tiền đề
vật chất để nâng cao đời sống nhân dân và từng bước xác lập quan hệ sản xuất
tiến bộ phù hợp. Đó cũng là thể chế góp phần hạn chế những khuyết tật từ mặt
trái của kinh tế thị trường, từng bước hiện thực hóa những giá trị nhân văn cao
đẹp của chủ nghĩa xã hội là cần phát triển kinh tế nhưng không phải bằng mọi
giá, bằng tất cả mọi cách mà không vì mục tiêu vì con người, cho con người. Đó
là bản chất, là sự phân biệt kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với
các loại hình kinh tế thị trường khác.
3. Có một điểm cần
trình bày thêm, nếu ai đó còn băn khoăn cho rằng, một khi kinh tế thị trường
chịu tác động của định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua vai trò của Nhà nước xã
hội chủ nghĩa thì các quy luật kinh tế bị biến dạng hãy tham khảo 2 trường hợp
sau đây.
Một là, kinh
tế thị trường có quy luật vận động riêng. Chắc chắn như thế. Song thử hỏi, các
quy luật xã hội nói chung, kinh tế thị trường nói riêng vận hành như thế nào
nếu không thông qua hoạt động của con người, chịu tác động chủ quan của con
người. Con người đó có thể là các cá nhân, cộng đồng hay tổ chức và trong các
quốc gia không thể loại trừ vai trò của Nhà nước. Vậy tại sao chỉ thừa nhận
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là “thị trường đích thực” còn kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gán ghép, áp đặt khiên cưỡng?
Hai là, quan sát vận hành
của kinh tế thị trường ở các quốc gia tư bản thấy rằng, không có một mô hình
thống nhất. Cái tạo nên sự khác biệt đó là gì nếu không phải là quan điểm của
lực lượng cầm quyền, là cách thức tác động khác nhau của Nhà nước đến các quá
trình kinh tế, xã hội. Vì vậy trên thực tế đã hình thành những mô hình thị
trường kiểu Mỹ, Đức, Pháp hay nhiều quốc gia khu vực Bắc Âu. Điều này một lần
nữa khẳng định, thể chế kinh tế thị trường tuy có những đặc tính chung, phổ
quát nhưng nó có thể vận hành trong những không gian lịch sử, văn hóa, chính
trị, xã hội khác nhau nên có những hình thức khác nhau và cũng đưa lại những
hiệu ứng khác nhau.
Lịch sử nhân loại cho thấy, vấn đề quan trọng, có tính quyết định
nhất cho sự thành công của một đảng chính trị, trước hết đảng đó phải có đường
lối chính trị đúng. Đường lối đó không tự nhiên mà có, nó là kết quả của quá
trình gian khổ tìm tòi, đôi khi phải tổn thất, trả giá. Tuy nhiên, “gạn đục
khơi trong”, cầu thị nghiên cứu, tổng kết, dũng cảm tiếp nhận cái mới, kiên
trì, kiên định thực hiện, tất sẽ thắng lợi. Chúng ta vui mừng bởi Đảng ta là
một Đảng cách mạng chân chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện,
trở thành người lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất định sự nghiệp đổi
mới dù khó khăn, thử thách song cuối cùng sẽ thắng lợi như Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng khẳng định.
Nguồn: Báo Hà Nội mới điện tử (ngày
24/5/2021)