Bàn về
tương lai xã hội chủ nghĩa (XHCN) của dân tộc ta trong thế kỷ XXI, Tổng Bí thư
phân tích đã làm rõ thêm về CNXH; vì sao từ những thập niên đầu của thế kỷ XX
Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH; làm thế nào và bằng cách nào để từng
bước xây dựng CNXH ở Việt Nam; thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở nước
ta thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì để tiếp tục xây dựng CNXH
trong điều kiện mới?
Qua bài
viết của Tổng Bí thư, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn đối với nhân dân Việt Nam
trong thế kỷ XXI chỉ có thể là sự kế tục của thế kỷ XX, phải đi tiếp con đường
đã đi trong thế kỷ XX, thực hiện cho kỳ được những mục tiêu đã được hoạch định
từ đầu thế kỷ XX là độc lập dân tộc và CNXH. Từ những thập niên đầu thế kỷ XX,
con đường giải phóng dân tộc Việt Nam đã được xác định, đó là con đường của
cách mạng vô sản. Chánh cương và sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo
và được Đảng ta thông qua vào đầu năm 1930 và những năm sau đó Đảng đã vạch ra
con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Đi theo
con đường đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu vĩ đại: Giải
phóng hoàn toàn và thống nhất đất nước, bước vào cuộc cách mạng XHCN, từng bước
thực hiện chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Việt Nam
đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là
thế kỷ mà vấn đề độc lập dân tộc đã được giải quyết một cách cơ bản và Việt Nam
trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phong trào
giải phóng dân tộc khỏi chế độ thực dân trên toàn thế giới.
Lẽ đương
nhiên trong thế kỷ XXI, con tàu cách mạng Việt Nam tiếp tục đi trên quỹ đạo đó
để nhanh chóng đến đích hơn. Tuy nhiên, do những thăng trầm của cách mạng thế
giới, sự công kích, chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, đã có lúc
không ít cán bộ, đảng viên dao động tư tưởng, hoài nghi về con đường đi lên
CNXH ở nước ta.
Nhưng
ngay từ Đại hội lần thứ VII Ðảng ta đã nhận định rõ bốn nguy cơ, trong đó có
nguy cơ chệch hướng CNXH. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực
hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đất nước đã
đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đúng như Tổng Bí thư đã nói
“chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”.
Tuy
nhiên, bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ
phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn
còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước,
giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; xa rời tôn chỉ, mục
đích của Ðảng; không kiên định con đường đi lên CNXH,... Đúng như Nghị quyết
Trung ương 4, khóa XII nhận định: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí
rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các
thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Ðảng và
dân tộc”.
Những hạn
chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn
thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ
trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ nếu không giải quyết sớm để
thống nhất nhận thức, ý chí và hành động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp xây
dựng, phát triển nước ta trong tình hình mới.
Trước bối
cảnh đó, càng thấy rõ bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng và
cấp thiết, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức nỗ lực,
phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Qua đó, cảnh
tỉnh, cảnh báo và răn đe những ai suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhận thức mơ hồ, sai lệch
về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đồng thời đó cũng là lời tuyên bố,
luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn phê phán, đấu tranh, phản bác quan điểm sai
trái của các thế lực thù địch.
Từ thực tế
trong lòng các nước ta tư bản hiện nay, Tổng Bí thư cho rằng: Chủ nghĩa tư bản
chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành
tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát
triển KH &CN. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh
tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã
có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít chế độ phúc lợi xã hội
tiến bộ hơn so với trước. Đồng thời, bài viết luận giải một cách sâu sắc bằng
những minh chứng cụ thể, sinh động để chỉ ra các khuyết tật, mâu thuẫn cơ bản
thuộc về bản chất mà họ không thể khắc phục được trong khủng hoảng chính trị,
kinh tế, xã hội.
Tổng Bí
thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự
vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá
con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công
bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã
hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới
các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt
cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”… Và chúng ta cần
một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và
phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Đó
chính là bản chất của chế độ xã hội, là những giá trị đích thực, là mục tiêu,
là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và
đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Dân tộc
ta đã giành được độc lập dân tộc trong thế kỷ XX, nhưng không có nghĩa là không
còn nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập dân tộc trong thế kỷ XXI. Không giữ vững được
nền độc lập dân tộc thì cũng sẽ chẳng có việc xây dựng CNXH trong thế kỷ XXI.
Vì vậy, trong hơn 91 năm qua Ðảng ta luôn trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu để làm
sáng tỏ hơn về tương lai của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Quá trình
tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Ðảng đã có nhận thức ngày càng đúng
đắn hơn tương lai của dân tộc, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi cần tiếp tục
nghiên cứu. Lần này, những câu hỏi lớn ấy đã được Tổng Bí thư lý giải sâu sắc
hơn, bổ sung, phát triển và hoàn thiện thêm trong bài viết, góp phần củng cố
vững chắc niềm tin trong nhân dân ở giai đoạn phát triển mới của đất nước. Bài
viết thuyết phục người đọc từ cách nêu vấn đề đến quá trình luận giải, chứng
minh, làm rõ từng nội dung bằng tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của
một nhà khoa học lớn, của một lãnh tụ xuất sắc của Đảng. Ðó cũng là tư tưởng,
quan điểm lớn của Ðảng ta về ý chí, khát vọng xây dựng, phát triển CNXH và con
đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Tổng Bí
thư dành nhiều tâm trí vào việc luận giải về ý chí, về khát vọng vì sao gần 100
triệu người Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH, trên cơ sở đó trình bày
những tư tưởng, quan điểm và giải pháp cụ thể cần nắm chắc trong quá trình tổ
chức thực hiện để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển CNXH ở nước ta trong
thế kỷ XXI. Luận điểm cốt lõi này đã được Tổng Bí thư đề cập nhiều lần, được
khẳng định trong các phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương và
các diễn đàn quan trọng khác; quá độ đi lên CNXH là một quá trình cách mạng lâu
dài, trong đó rất phức tạp và có nhiều thách thức vì nó phải tạo sự biến đổi
sâu sắc về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên khắp các lĩnh vực của xã
hội. Do đó, xây dựng CNXH ở nước ta phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài
với nhiều bước đi, nhiều hình thức đan xen với sự mâu thuẫn, đấu tranh giữa cái
tiến bộ và cái lạc hậu. Có thể khẳng định, đây là cuộc đấu tranh rất cam go,
gian khổ, đòi hỏi phải có ý chí, khát vọng với một tư duy mới, bản lĩnh và sáng
tạo.
Trung
thành với mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, nhưng không giáo điều, máy móc; không
ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, nhưng đổi mới phải trên cơ sở kiên định,
không vô nguyên tắc dẫn đến chệch hướng XHCN. Không chấp nhận đa nguyên, đa
đảng, không chấp nhận thể chế chính trị “tam quyền phân lập” và những khuyết
tật, bất công luôn tồn tại trong chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên trân trọng, kế
thừa có chọn lọc những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong
thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Chúng ta chủ trương phát triển kinh tế thị
trường, nhưng đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì sự phát triển
bền vững của xã hội, của con người với đặc trưng và thuộc tính rất quan trọng
là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội,
lấy sức khỏe, hạnh phúc, giá trị, phẩm giá của con người làm vị trí trung tâm
trong quá trình xây dựng, phát triển CNXH ở nước ta. Thực tiễn những năm qua
cho thấy, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động, tích cực hội
nhập quốc tế, Tổng Bí thư khẳng định rõ những thành tựu, ưu việt đó và đã chỉ
ra nhiều khuyết điểm, hạn chế, thách thức mà chúng ta đang đối mặt, phải giải
quyết.
Qua bài
viết của Tổng Bí thư, chúng ta nhận thức sâu sắc về CNXH và con đường đi lên
CNXH mà nhân dân ta đi tới. Những gợi mở, chỉ dẫn, tư tưởng trong bài viết là
nguồn cảm hứng, tạo sự thống nhất, đoàn kết, khơi dậy ý chí tự cường, khát vọng
vươn lên, xây dựng vào phát triển đất nước theo con đường CNXH ngày càng đàng
hoàng, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu!
Nguồn:cand.vn (25/5/2021)