Quyết sách của Ðảng luôn xuất phát từ thực tiễn đất nước và nguyện vọng của nhân dân
Trong bài viết quan trọng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh: "Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là
kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ
dàng"; đây là "một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài,
không thể nóng vội".
Ðể tiến hành sự nghiệp ấy, bên cạnh việc xác
định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, cần phải
phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân.
Trong thực tiễn, chúng ta đã thấy, từ khi Ðảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, Ðảng luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Trong mỗi bước đi của
cách mạng Việt Nam, sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi và sự
phát triển. Ðó là bởi nhân dân thấy đường lối của Ðảng đáp ứng đúng yêu cầu,
nguyện vọng, đã tiếp nhận, hưởng ứng và nhiệt tình tham gia thực hiện, góp phần
quan trọng vào sự thành công.
Quá trình lãnh đạo và cầm quyền, khi xác định
phương hướng chính trị, đề ra các quyết sách, Ðảng luôn xuất phát từ thực tiễn
đất nước, từ thực tế đời sống nhân dân đồng thời có nghiên cứu, tham khảo kinh
nghiệm của các nước. Năm 1986, Ðảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới là
minh chứng rõ nét nhất. Khi đó, tình hình kinh tế - xã hội gặp những khó khăn
gay gắt, nhất là tình trạng mất cân đối lớn trong nền kinh tế. Ðại hội lần thứ
VI của Ðảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ đánh giá đúng sự thật, chỉ ra
những sai lầm về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức
thực hiện; từ đó đặt ra yêu cầu đổi mới là vấn đề bức thiết, có ý nghĩa sống
còn. Ðại hội đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế, thực
hiện ba chương trình kinh tế về lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng
xuất khẩu. Hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ðó là bởi những quyết sách của Ðảng đã
được chắt lọc từ thực tiễn, từ suy tư, trăn trở trong đảng viên, nhân dân, từ
hiện tượng "phá rào", những cách làm sáng tạo của các địa phương, cơ
sở. Trung ương luôn chỉ đạo đi sâu tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, đưa ra
những đổi mới về nhận thức, tư duy, quan điểm, trên cơ sở đó điều chỉnh, đổi
mới đường lối, chủ trương, chính sách phát triển phù hợp, tạo động lực cho quá
trình xây dựng, phát triển đất nước. Cùng với đó, Ðảng không ngừng tự chỉnh đốn
để ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững niềm tin của nhân dân; chú trọng
đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền đối với hệ thống chính trị
và xã hội, nhất là đối với Nhà nước nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa, trong đó quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, bảo đảm
cho tiếng nói của nhân dân, hơi thở của cuộc sống luôn hiện diện trong các
chính sách của Ðảng và Nhà nước.
Mới đây, Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng khẳng
định: Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc
tế như ngày nay. Những thành tựu đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp quy luật khách quan, với thực
tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Song, Ðảng cũng nhận thức rõ,
trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh các thành tựu
và mặt tích cực, luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một
cách tỉnh táo và xử lý kịp thời, hiệu quả. Cụ thể như, chất lượng tăng trưởng
và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng
thiếu đồng bộ; khoảng cách giàu nghèo gia tăng; tình trạng tham nhũng, lãng
phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong
"một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên… Chúng ta hoàn toàn tin tưởng
rằng, khi Ðảng nhìn thẳng vào thực tế, chỉ rõ được những hạn chế, yếu kém, chắc
chắn sẽ tiếp tục có những chỉ đạo hợp lòng dân, sát thực tiễn, được nhân dân
nhiệt tình tham gia, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.
Nguồn:nhandan.vn