Hiểu đúng về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay
Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã giải đáp sâu sắc về nhiều vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó có việc phát
triển kinh tế tư nhân.
Trong 35 năm lãnh đạo
sự nghiệp đổi mới, trung thành, kế thừa và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên đổi mới tư
duy gắn với tổng kết thực tiễn và đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế
nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục
khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng” (1) của nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; “Xóa bỏ mọi rào cản, định
kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.” (2). Mặc dù
vậy, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã liên tiếp đưa ra những luận điểm
sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối này của Đảng. Vì vậy, việc làm rõ,
cảnh giác và đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái đó; khẳng định tính đúng
đắn, sáng tạo của chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân của Đảng là
nhiệm vụ cấp thiết. Tính đúng đắn và sáng tạo của chủ trương, đường lối này
được thể hiện ở cơ sở lý luận và thực tiễn như sau:
Thứ nhất, các nhà kinh
điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ, chủ nghĩa cộng sản chỉ xóa bỏ chế độ sở
hữu tư sản với tính cách là một chế độ nhà nước tư sản bóc lột giá trị thặng dư
của lao động làm thuê, chứ tuyệt nhiên không xóa bỏ mọi hình thức sở hữu nói
chung, trong đó có sở hữu tư nhân, nền tảng của kinh tế tư nhân. Kế thừa những
quan điểm của chủ nghĩa Mác, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga,
V.I.Lênin đã đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Đây là một sự đổi
mới tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội với sự thừa nhận sự tồn tại của nền
kinh tế nhiều thành phần, phát triển quan hệ hàng hóa tiền tệ, kinh tế thị
trường, thực hiện sự trao đổi giữa thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông
nghiệp, lợi ích của người lao động được quan tâm.
Đây là cơ sở lý luận
khoa học và chắc chắn để Đảng Cộng sản Việt Nam định ra chủ trương, đường lối
phát triển kinh tế tư nhân trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước vừa qua,
cũng như định hướng cho phát triển nền kinh tế của Việt Nam ở chặng đường tiếp
theo.
Thứ hai, kế thừa và
vận dụng sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hồ
Chí Minh khẳng định: “Kinh tế tư bản của tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng
đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế” (3). Đây là những di sản
tư tưởng và tinh thần rất đúng, tạo cơ sở cho Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát
huy trong thời kỳ mới-thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất quá độ đi lên trên
con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cần định hướng để kinh tế tư nhân
hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho
người lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, chứ không chỉ vì lợi ích
của tư nhân.
Thứ ba, kế thừa, trung
thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát
triển kinh tế tư nhân phục vụ cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ khi
đổi mới đến nay, trong các văn kiện Đại hội, Đảng ta đã khẳng định đường lối
phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân và dần
được hoàn thiện.
Kế thừa các đại hội
trước, Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới
về phát triển kinh tế tư nhân. Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của
thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân đã góp phần
quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo
việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh
doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương
mại, dịch vụ. Hiệu quả nổi bật của các tập đoàn kinh tế tư nhân gần đây thể
hiện khá rõ điều này.
Phát triển kinh tế tư
nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế vẫn
tuân thủ theo đúng nguyên lý, lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh về xây dựng, phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó có coi
trọng và phát huy kinh tế tư nhân. Song, muốn kinh tế tư nhân phát triển theo
đúng quỹ đạo, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự điều hành
quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Nhà nước vừa phải
vận dụng các công cụ kinh tế, pháp luật để quản lý, vừa phải có thực lực kinh
tế. Trong đó, kinh tế nhà nước không chỉ giữ vai trò chủ đạo, mà còn là lực
lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo
môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Nguồn:qdnd.vn (ngày 28/5/2021)