Đấu tranh tư tưởng, lý luận trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -
2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài
viết gợi mở, định hướng nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh tư tưởng, lý
luận hiện nay.
Bài
viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc
những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi
lên CNXH ở Việt Nam, trong đó hàm ý định hướng nhiều vấn đề về đấu tranh trên
mặt trận tư tưởng, lý luận, thể hiện ở một số điểm sau:
Một
là, đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay thực chất và trước hết là đấu tranh
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và
nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong
phần mở đầu bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt trở lại vấn đề: “Vì
sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”. Và ngay sau đó, câu hỏi đã
được lý giải bằng nhận định từ tình hình thực tiễn trên phạm vi thế giới cũng
như ở Việt Nam: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ
nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có
gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình
chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm
vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành
tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt”(1).
Thực tiễn cho thấy, mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ vào thập
niên 90 của thế kỷ trước không chỉ làm cho các thế lực chống cộng, cơ hội chính
trị vui mừng mà còn là động cơ để chúng gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên
tạc, tấn công, phủ nhận con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Trong “hàng ngũ
cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của
chủ nghĩa xã hội”; thậm chí, có người còn “phụ họa với các luận điệu thù địch,
công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản”(2).
Điều này hết sức nguy hại, có tác động tiêu cực đến tâm lý chính trị của không
ít cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước thực trạng đó, chúng ta phải tăng cường
đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, kiên quyết bảo vệ con đường
và mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn từ năm 1930, đó là
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam là
đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Vì
thế, mọi chủ trương, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi
ích của nhân dân (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính thăm hỏi công việc sản xuất, chế độ ăn nghỉ của công nhân Khu
công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)_Ảnh: VGP
Xét
trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn:
“Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn
của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát
triển của lịch sử”(3). Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay,
biết bao thế hệ đã phải hy sinh mồ hôi, xương máu. Bởi vậy, càng khó khăn, gian
khổ, chúng ta càng kiên định với mục tiêu đã chọn, đấu tranh không khoan nhượng
với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng,
bảo vệ đường lối cách mạng, khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang tiếp
tục dẫn dắt dân tộc ta đến bến bờ vinh quang, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh
phúc cho toàn thể nhân dân. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ quan điểm,
đường lối của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng là nhiệm vụ hàng đầu trong cuộc
đấu tranh giai cấp hiện nay.
Hai
là, một
nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay là phải
tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch,
vững mạnh toàn diện.
Về
bản chất, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân
và toàn thể nhân dân lao động. Vì thế, “mọi đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy
hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(4). Tuy nhiên, đối
với bất cứ một đảng cầm quyền nào, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường
hiện nay, nguy cơ tham nhũng, quan liêu, thoái hóa... luôn hiện hữu. Do vậy, để
giữ vững bản chất, uy tín và năng lực lãnh đạo, Đảng “phải thường xuyên tự đổi
mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống
tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn
bộ hệ thống chính trị”(5). Cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần
nêu gương, nâng cao trách nhiệm, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái về
đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện bè
phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa... Đây chính là “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hại,
nếu không chống sẽ làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Cùng
với việc chống giặc “nội xâm”, để bảo đảm “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là
nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát
triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”(6), chúng ta cần kiên
quyết đấu tranh chống những tư tưởng sai trái, thù địch đòi “đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập”, tập trung xây dựng “một hệ thống chính trị mà quyền lực
thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ
không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(7). Đây chính là cơ sở để
giữ vững niềm tin và tạo sự ủng hộ của nhân dân, góp phần củng cố vững chắc vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một đảng duy nhất cầm
quyền. Bởi vậy, từ thực tế “tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư
tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng
viên”(8), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng phải được coi là “nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối
với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Ba
là, để
giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay
gắn chặt với nhiệm vụ phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiện
nay, “các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống
phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam”(9), do đó, cuộc đấu tranh này ngày càng cam
go, quyết liệt hơn. Các thế lực thù địch không chỉ sử dụng internet, mạng xã
hội, móc nối với các cá nhân, tổ chức trong nước, mà còn sử dụng nhiều phương
thức, thủ đoạn mới, rất tinh vi nhằm kích động, lôi kéo sự tham gia của các
phần tử chống đối, trong đó có cả một số cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp đã
nghỉ hưu, từ đó hướng lái dư luận xã hội theo ý đồ của chúng, gây hoang mang và
làm giảm niềm tin của nhân dân đối với những chủ trương, đường lối của Đảng. Để tạo cơ sở cho công tác đấu
tranh, đồng thời tránh sự chủ quan, xơ cứng, giáo điều, trì trệ và lạc hậu về
lý luận, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu “tiếp thu, bổ sung một cách
có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư
tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới,
luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại”(10).
Đây là một yêu cầu cấp bách của công tác lý luận hiện nay.

Không gian trưng bày sách,
báo phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN
Bốn
là, đấu
tranh tư tưởng, lý luận còn bao hàm việc khẳng định sự thành công
của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo.
Sau
35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử đạt được trên mọi mặt là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân ta, mà trước hết là do đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng
đắn của Đảng. Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, chúng ta không chỉ thoát khỏi
khủng hoảng kinh tế, ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và duy
trì được tốc độ tăng trưởng nền kinh tế tương đối cao trong suốt 35 năm, với
mức trung bình khoảng 7% mỗi năm, “kinh tế phát triển…, tỷ lệ nghèo đói giảm
nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được
giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối
ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được
tăng cường”(11). Hầu hết các xã ở nông thôn đều có kết cấu hạ tầng
tốt, có điện lưới quốc gia… Chúng ta hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục
tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh
viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Tuổi thọ trung bình
của người dân tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2020). Chỉ số phát
triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704 (năm 2019), thuộc nhóm nước có
HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Đặc
biệt, gần đây nhất, những kết quả đạt được trong bối cảnh đại dịch
COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi
nhận, đánh giá cao, đã thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước
ta(12).

Đất nước ta đã hoàn thành
xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung
học cơ sở năm 2010_Ảnh: TTXVN
Những
thành tựu đổi mới đó đã chứng tỏ rằng,“phát triển theo định hướng xã hội chủ
nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các
vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát
triển kinh tế”(13). Con đường đi lên CNXH ở nước ta từng bước
được hoàn thiện và hiện thực hóa. Những thành tựu đó không phải là một sự may
mắn, ngẫu nhiên, mà là “sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một
quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta”(14). Thành quả đó một lần nữa khẳng định:
“Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy
luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” và
“đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo”(15).
Đó là sự thật không thể đảo ngược, là câu trả lời hết sức thuyết phục cho những
ai còn nghi ngờ, thậm chí “sám hối” về con đường đi lên CNXH và phủ nhận đường
lối đổi mới mà Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo, là minh chứng sinh động, phản
bác đanh thép, bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.
Cho
đến nay, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta vẫn đang tiếp tục diễn ra
ngày càng cam go, phức tạp. Nhằm ngăn chặn những tư tưởng, nhân tố phi xã hội
chủ nghĩa, những phần tử bảo thủ, thoái hóa, biến chất; kiên quyết đấu tranh
chống các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng
và Nhà nước ta, đòi hỏi chúng ta trước hết
cần phải kiên định mục tiêu CNXH, giữ vững thành quả cách mạng, củng cố, tăng
cường và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Đồng
thời, cần nghiên cứu thấu đáo lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước
ta, về giai cấp và đấu tranh giai cấp, củng cố lập trường giai cấp; trên cơ sở
đó, soi rọi vào thực tiễn để đưa ra những hình thức, phương pháp đấu tranh phù
hợp, tránh rơi vào sai lầm, cực đoan hoặc xem nhẹ, bỏ trống trận địa đấu tranh
dẫn đến mơ hồ, mất cảnh giác, rơi vào âm mưu “diễn biến hòa bình” của các lực
lượng thù địch. Cuộc đấu tranh này còn diễn ra lâu dài và gian khổ, song dưới
sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin
tưởng rằng, mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta sẽ sớm trở
thành hiện thực, đáp ứng được lòng mong mỏi, nguyện vọng của các tầng lớp nhân
dân./.
Nguồn:tapchicongsan.vn (ngày 13/7/2021)