Dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước
Kế
thừa và phát triển Cương lĩnh năm 1991, tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục có
những quan điểm mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện rõ sự phát triển tư
duy lý luận của Đảng, phù hợp với xu thế thời đại và thực tiễn của sự nghiệp
xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) về vấn đề dân
chủ, Đảng ta khẳng định:“Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu,
vừa là động lực của sự phát triển đất nước… nhân dân thực hiện quyền làm chủ
thông qua hoạt động của Nhà nước, của hệ thống chính trị và các hình thức dân
chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”. Đây là những vấn đề mới được Đảng ta bổ sung,
phát triển thể hiện trong Cương lĩnh. Quan điểm trên không chỉ thể hiện rõ bản
chất của chế độ XHCN, mà còn là phương thức tiến hành dân chủ của Đảng và hệ
thống chính trị.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy: Các quan điểm
về phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là kết quả của quá
trình đổi mới, phát triển tư duy lý luận của Đảng. Trước đổi mới, Đảng ta đã
dày công nghiên cứu lý luận về dân chủ XHCN. Đến Đại hội IV, Đảng ta xác lập
quan điểm về chế độ làm chủ tập thể XHCN. Song, sự biến đổi của thực tiễn đặt
ra nhiều vấn đề mới cần bổ sung, phát triển. Chính vì vậy, quá trình thực hiện
sự nghiệp đổi mới, Đảng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện thể chế dân
chủ nhằm bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp và
trên tất cả các lĩnh vực.
Dân chủ XHCN là một hình
thức chính trị-nhà nước thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định
nhân dân là chủ thể của quyền lực. Theo đó, quyền làm chủ của nhân dân được thể
chế hóa thành quy định, nguyên tắc tổ chức, vận hành của Nhà nước và thể chế
chính trị tạo nên chế độ dân chủ. Như vậy, nội dung cơ bản của dân chủ XHCN là
“tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Đảng ta đã quán triệt tư tưởng Hồ Chí
Minh về bản chất của dân chủ XHCN là: Dân chủ gắn liền với quyền làm chủ của
nhân dân; dân là gốc, dân là chủ và dân làm chủ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứu
nước thực chất là cứu dân; mưu cầu độc lập cho dân tộc thực chất là mưu cầu độc
lập, tự do cho nhân dân. Do vậy, xây dựng nền dân chủ XHCN là một mục tiêu lớn,
một nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt sau 25 năm đổi mới, thể hiện rất rõ và
hết sức sinh động việc phát huy dân chủ, cũng như xây dựng nền dân chủ XHCN của
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quan niệm về dân chủ ngày càng được mở rộng. Dân
chủ được xem xét trên nhiều khía cạnh: Dân chủ là chế độ chính trị; là giá trị;
là phương thức và nguyên tắc tổ chức xã hội; dân chủ chung đối với xã hội và
dân chủ riêng đối với mỗi cá nhân; dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Dân chủ XHCN còn phản ánh một bước chuyển từ thể chế chính trị dựa
trên áp lực, tuân thủ mệnh lệnh sang thể chế hợp tác, đồng thuận, đầy trách
nhiệm. Do vậy, với việc đưa dân chủ trở thành một mục tiêu của CNXH càng thể
hiện rõ sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng ta. Phát huy dân chủ XHCN
không những phát huy được tính tích cực, sự chủ động, tự giác của mỗi người
trong xã hội, mà còn góp phần quan trọng giải phóng năng lực sáng tạo của con
người. Bởi vậy, không phải đơn thuần trong mục tiêu xây dựng xã hội, Đảng ta
đưa hai từ “dân chủ” lên trước hai từ “công bằng”. Điều này vừa khẳng định vai
trò của dân chủ trong tiến trình xây dựng xã hội XHCN, vừa thể hiện sự nhận
thức và tư duy mới của Đảng; phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Dân chủ là một quá trình phát triển lâu dài, là kết quả của giáo dục ý thức dân
chủ và nâng cao năng lực thực hành dân chủ, phụ thuộc vào quá trình phát triển
cả về kinh tế, xã hội, con người và cả sự phát triển văn hóa dân chủ. Đây là
một quá trình không nóng vội, không cho phép thoát ly thực tiễn chính trị của
đất nước. Dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các cấp độ: Từ cơ quan lãnh
đạo cao nhất đến từng cơ sở; đặc biệt quan trọng là dân chủ ở cơ sở. Bởi, hệ
thống chính trị ở cơ sở chính là Đảng và Nhà nước “ở trong lòng dân”. Cùng với
phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người dân thông qua các hình thức dân chủ,
cần kiên quyết chống các biểu hiện lệch lạc như dân chủ hình thức, dân chủ cực
đoan, lợi dụng dân chủ để gây rối làm tổn hại lợi ích công dân và Nhà nước.
Kiên quyết bác bỏ các luận điệu giả trá về dân chủ, nhân quyền. Mặt khác, trong
xu thế hội nhập hiện nay, phát huy dân chủ và xây dựng nền dân chủ XHCN không
thể không quan tâm đến những thành quả dân chủ của nhân loại. Đó là những thành
tựu của các nước phát triển về quản lý nhà nước, về thiết kế bộ máy tổ chức
chính trị, bộ máy quản lý nhà nước, về hành chính công, về trách nhiệm xã hội
của công dân… Tuy nhiên, cũng cần nhận thức đầy đủ là không áp dụng một cách
máy móc; đồng thời phải thấy rõ sự khác nhau căn bản giữa dân chủ cho đa số
nhân dân lao động (dân chủ XHCN) với dân chủ cho thiểu số bóc lột (dân chủ tư
sản).
Thực chất của việc phát huy dân chủ XHCN là phát huy vai trò chủ thể của Đảng,
Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, nhằm huy động mọi nguồn lực
đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước theo định hướng XHCN. Đó chính là việc
phát huy vai trò tích cực, tự giác, sáng tạo của con người. Mục tiêu của dân
chủ XHCN là củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong
nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị,
tạo tiền đề đẩy mạnh sự nghiệp phát triển toàn diện đất nước; tăng cường mối
quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; thể hiện bản chất ưu việt của
chế độ mới.
Nội dung cơ bản phát huy
dân chủ XHCN là Đảng thông qua Nhà nước lãnh đạo toàn xã hội phát triển theo
đúng con đường XHCN. Nhà nước là tổ chức quyền lực của nhân dân, thể chế hóa
quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý,
điều hành xã hội để hiện thực đường lối của Đảng và lợi ích của nhân dân. Nhân
dân có quyền và trách nhiệm trực tiếp xây dựng, hoạch định và thi hành các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, mọi chủ trương, chính sách của
Đảng, Nhà nước đều phải trực tiếp phản ánh lợi ích của đa số nhân dân.
Nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trước
hết chúng ta nhận thấy: Thực hiện dân chủ là một nội dung thống nhất tiến hành
trên nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước
và toàn xã hội. Thực hiện dân chủ theo nguyên tắc này là dân chủ hướng tới tập
trung, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, mà không phải là sự kết hợp
giữa tập trung với dân chủ. Tập trung và dân chủ là tập trung trên cơ sở dân
chủ-đối lập với tập trung là độc đoán, quan liêu, mất dân chủ. Mặt khác, thực
hiện dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền, vai trò của MTTQ các cấp trong
phát huy dân chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, MTTQ Việt Nam là một tổ
chức rộng rãi với sự tham gia của tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.
MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội-một thể chế dân
chủ thực sự. Cùng với hai vấn đề nêu trên, phát huy dân chủ XHCN cần thực hiện
tốt các điều kiện trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, điều kiện
quyết định nhất để xây dựng nền dân chủ XHCN là thực hiện dân chủ trong Đảng.
Đảng nêu gương về dân chủ và lãnh đạo tốt quá trình đổi mới, hoạt động của Nhà
nước, gắn liền với dân chủ trong xã hội.
Cương lĩnh của Đảng là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng
đất nước. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, trong đó có việc phát huy tốt quyền
làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ XHCN chính là cơ sở, là điều kiện để
đất nước phát triển bền vững, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.
Nguồn:baochinhphu.vn