Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19-5-1890 / 19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các
cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết rất quan trọng với tiêu đề
“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nghiên cứu nội dung bài viết, không phải riêng tôi mà
đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở địa phương chúng tôi đều
nhận thấy rằng: Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thể hiện tính
định hướng cao, vừa có giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc.
Ngay sau khi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng
tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, như một lẽ tự nhiên, ở địa phương
chúng tôi nhiều cuộc bàn luận diễn ra sôi nổi. Thậm chí, có những người trước
đây dường như không mấy quan tâm đến vấn đề được xem là “chính trị”, thì nay có
những phân tích, lập luận khá chặt chẽ, có tính thuyết phục cao dựa trên những
nội dung đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong bài viết, nhất là
một số người dân theo đạo Thiên chúa giáo. Vậy, vì sao bài viết của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng lại thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân? Phải chăng,
đây là bài viết của đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng. Đúng là có quan điểm
ấy, nhưng trên hết và trước hết chính là tư tưởng và nội dung bài viết. Khái
niệm về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam không phải
bây giờ mới được Tổng Bí thư nhắc đến, đề cập đến, mà đó là mô hình xã hội và
con đường phát triển đi tới của dân tộc đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa
chọn ngay từ buổi bình minh tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Xây
dựng CNXH và đi lên CNXH chính là sự lựa chọn tự nguyện; là mong ước của mỗi
người dân Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam là minh chứng sinh động và
đầy sức thuyết phục cho việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Những
đau khổ cùng cực mà người dân Việt Nam phải gánh chịu dưới xiềng xích đô hộ của
chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân chỉ những người như thế hệ chúng tôi,
cha ông chúng tôi mới cảm nhận được hết. Bằng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin,
với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ
thiên tài của dân tộc Việt Nam đã quy tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc vùng lên lật đổ chế độ thực dân, lập nên Nhà nước công nông đầu
tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên
của độc lập tự do. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong
bài viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con
người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con
người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã
hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các
giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá
bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự
phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong
lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm
đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng
ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân
dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu
có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của
CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta
và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi”.
Trích dẫn lại đoạn viết trên trong bài viết của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng chắc hẳn không cần phân tích gì thêm để trả lời cho câu hỏi:
Vì sao Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta nguyện một lòng đi lên xây dựng CNXH.
Và sự lựa chọn đúng đắn ấy đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng với
những “thành tựu có ý nghĩa lịch sử” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mang đến cho mỗi
người dân Việt Nam những nhận thức khoa học và đúng đắn về CNXH và con đường đi
lên CNXH. Bài viết đã lý giải cặn kẽ, thuyết phục lý do vì sao dân tộc Việt Nam
kiên định, kiên trì với mục tiêu xây dựng CNXH. Đặc biệt, trong bối cảnh tình
hình thế giới, khu vực có những diễn biến hết sức mau lẹ, khó đoán định; trong
nước, thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới đã tạo nên những tiền đề vững chắc
để đất nước tiếp tục phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi
hỏi, đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và trách
nhiệm chính trị của mỗi người dân. Bởi vậy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã góp phần rất quan trọng để mỗi người trong chúng ta có cùng nhận thức,
thấy rõ trách nhiệm và thể hiện quyết tâm xây dựng thành công CNXH, cho dù phía
trước con đường cách mạng của dân tộc không phải được trải bằng nhung lụa. Và
sự thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân trước hết là sáng suốt lựa chọn cho
được những người xứng đáng bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ
2021-2026; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để giành
được kết quả tốt trong thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã xác định. Lòng
yêu nước, yêu CNXH của mỗi người dân ở thời kỳ nào cũng vậy, không phải là điều
gì quá xa vời, trừu tượng, mà bằng chính những việc làm, hành động cụ thể vì
mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn:qdnd.vn